Skip navigation

Tag Archives: font

Ngày xưa các cụ có câu, nét chữ nết người. Giờ bước sang thời đại của PC, chẳng đào đâu ra nét chữ nữa. Có chăng, chỉ còn font chữ mà thôi. Có khi tự hỏi, thế có font chữ nết người không? Nghĩ một lúc, hình như là cũng có. Blog chẳng hạn. Mỗi cái một font, một cỡ, một màu. Lựa chọn của mỗi người, thật ra rất thường mang tính cảm quan. Nhưng đôi khi cũng là cá tính. Sometimes, it does tell.

Hồi 98, bà già mua cho cái máy tính đầu tiên. Thời ấy hễ ai cài ABC lên máy là nó override tất cả system fonts của Windows. Nghĩ cũng buồn cười. Chỉ một bộ font chữ, nhưng nó thể hiện cái ấu trĩ của cả một dân tộc. Hai ngàn năm trước, Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, việc làm đầu tiên là thực hiện xa đồng quỹ, thư đồng văn. Nói nôm na là chuẩn hóa giao thông và chữ viết. Hai ngàn năm sau, các anh Việt Nam, vừa mới tiếp xúc với IT chưa được bao lâu, đã hăm hở làm điều ngược lại. Mỗi người tạo ra một bộ mã riêng, chẳng ai chịu ai. ABC, VNI, BK HCM, VPS, thôi thì đủ thứ. Và cái bộ mã được coi là quy chuẩn quốc gia –ABC, lại là cái kém tương thích nhất với Windows. Đù má, hồi ấy cứ copy văn bản từ IE ra Word là kiểu gì cũng mất chữ ư. Rồi không thể viết được chữ hoa có dấu. Ấn Độ thành ấn Độ. Châu Á thành Châu á. Muốn có dấu phải chuyển thành .VnTimeH. Nhắc đến bây giờ vẫn còn giận sôi cả máu. Tận 2006 mà còn có lần đụng phải một văn bản của thành ủy Đà Nẵng dùng một thứ mã không ai đoán nổi. Lấy Unikey convert tán loạn, mới biết nó là Vietware X. Cái ấu trĩ của một thời, di họa đến mười năm.

Quay lại chuyện cũ. Hồi ấy đương nhiên là dùng .VnTime. Mới tập tọe, ếch ngồi đáy giếng có biết gì đâu. Quãng 2001, bắt đầu vào mạng. Chuyển sang dùng font sans serif đầu tiên –Tahoma. Đùa chứ nhiều khi buồn cười, hồ sơ của bà con ai cũng ghi thông thạo vi tính văn phòng, thế mà hỏi serif và sans serif khác nhau thế nào, cá là tám trên mười lắc đầu không biết. Có lẽ chỉ dân đồ họa mới rành mấy thứ này. Serif gọi nôm na là font có chân. Như Times hay Courier chẳng hạn. Sans serif là không chân. Như Arial, Verdana các thứ. Trong in ấn, serif được chuộng hơn, vì người ta cho rằng phần chân của ký tự tạo thành một đường thẳng vô hình, giúp mắt định hướng tốt hơn khi đọc. Nhưng trên máy tính thì sans serif lại chiếm ưu thế. Ở cái thời mà độ phân giải màn hình chưa cao, sans serif, có đường nét vuông vắn, sẽ hiển thị rõ ràng hơn, nhất là ở cỡ chữ nhỏ. Menu của Windows từ thời 95 cho đến Vista đều dùng sans serif. Các website lớn như MSN, Yahoo, CNN cũng vậy.

Cho nên vừa lên mạng là phải lòng ngay Tahoma. So với Arial, Tahoma vuông vắn hơn, cứng cáp hơn. Mỗi lần trả bài trên lớp chỉ nhìn thoáng qua là thấy bài mình, vì duy nhất mình dùng cái thứ font kỳ quái ấy. Ra trường, bắt đầu chuyển sang Verdana. Hai font này về cơ bản khá giống nhau, nhưng Verdana rộng ngang hơn, nhìn vào cảm giác rất đằm, vững chãi và điềm đạm. Cũng là lúc kết thúc cái thời cuồng dại tuổi hai mươi. Làm việc ở văn phòng thì buộc phải dùng Times New Roman theo quy định, nhưng cứ nhìn là lại ghét, chẳng hiểu vì sao. Có lẽ vì nó gắn liền với cái công thức, khuôn mẫu và nhàm chán của cơ quan nhà nước.

Dịch sách được một thời gian, bỗng nhiên quen với Times New Roman, bắt đầu thấy trân trọng cái standard và popularity của nó. Cũng như jazz. Những bài đã gọi là standard thì muôn đời không cũ, và luôn có nhiều người cover lại. Tea for two. Take the A train. Summertime. Chẳng phải ngẫu nhiên mà anh Microsoft lại lấy nó làm default font cho Word. Chat vẫn dùng Verdana, easy to read, nhưng viết thì chuyển về Times. Mãi cho đến gần đây. Một hôm tình cờ thấy thằng Minh dùng một cái font rất lạ. Thoạt nhìn khá giống Times, nhưng có phần gân guốc hơn, cổ kính hơn. Có những cảm giác chẳng thể diễn tả được thành lời. Chẳng hạn như khi Trương Trào viết: “thơ và văn được như cái khí mùa thu thì là hay, từ và khúc mà được như cái khí mùa xuân thì là hay.” Câu này ai đọc thi từ nhiều thì tự nhiên sẽ hiểu, chứ bảo giải thì không giải được. Cái font kia, vừa nhìn đã thích. Chỉ thế thôi. Chẳng biết vì sao. Thế là dùng. Một hôm hứng lên tìm đọc lung tung, mới biết hóa ra nó được thiết kế từ năm 50, lấy tên một nhà thư pháp nổi tiếng của Ý thời Phục hưng. Thở dài. Nostalgia, nostalgia, hình như là một thứ virus đã ăn vào trong máu.