Skip navigation

Tôi và chim gáy, hình như có một chút duyên.

Ở ba nơi thân thuộc nhất của tôi: nhà tôi, nhà tôi, và nơi tôi làm việc, chim gáy đều hiện diện.

Thuở sinh tiền, ông già tôi có cái thú nuôi chim. Nuôi cho vui, chứ chẳng phải là “chơi chim” gì hết cả. Ông nuôi lung tung, từ vẹt đến sáo, từ họa mi đến khướu. Ông mất, chim cũng chết dần. Con cuối cùng còn lại chính là chim gáy.

Một trong những ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Melb, một ngày mùa đông tháng Sáu chín năm sau, chính là chim gáy.

Người xưa bảo trong tứ đại hỷ thì thiên lý tha hương ngộ cố tri đứng thứ hai. So với hòa thượng động phòng hoa chúc dạ còn cao hơn một bậc. Ở Melb, tôi không có cố nhân theo đúng nghĩa của từ này. Chỉ có một tiếng gù quen, vào một buổi mai lạnh tái tê trên đường Brunswick, là làm lòng tôi thắt lại.

Hôm qua nhìn xuống vườn Hồng, tôi thấy một con chim gáy đang tha thẩn bới đất trong khuôn viên tòa nhà tôi làm việc. Tôi vẫn biết nơi này có chim gáy, nhưng hiếm khi nhìn thấy chúng. Nghe thấy lại càng không. Cái thanh tĩnh ngoại ô ở Melb cho phép tôi đắm chìm trong âm thanh điềm đạm ấy. Còn ở đây, tiếng gù chim gáy bị bóp nghẹt trong tiếng gầm gào xe cộ, trong tiếng còi bất lực và vô học của những kẻ đi đường.

Tôi vẫn gọi chim gáy là dotted dove. Tôi thích cái âm điệu luyến láy dịu dàng của cái tên này. Polka dots and moonbeams. Ở chim gáy có vẻ gì đó luôn lãnh đạm, trầm tĩnh, lánh đời và ghét tục. Con chim gáy tôi thấy chiều qua chẳng hạn. Nó hẳn chẳng hề bận tâm đến những đôi trai gái ngày ngày dắt díu nhau ra vườn Hồng chụp ảnh, những chuẩn bị hoành tráng cho cái gọi là Đại lễ Nghìn năm, những version khác nhau của một bài phát biểu. Giang hồ đa phong vũ, lãnh ái tự khả tri, mười chữ này ngắn ngủi làm sao. Nhưng ngoài chim gáy ra, thử hỏi có mấy ai làm được?

Leave a comment