Skip navigation

Tag Archives: thính.tuyết.lâu

Cũng đã mấy năm nay tôi không viết gì về kiếm hiệp cho đàng hoàng tử tế. Kỳ thực tôi vẫn gắn bó với nó, thậm chí còn gắn bó rất sâu xa, dành cho nó rất nhiều thời gian và tâm lực, chẳng qua là theo một cách khác hơn mà thôi. Làm sao tiêu hết sầu xưa, đinh hương thuở ấy còn chưa đoạn tình? Nói “viết về kiếm hiệp”, nghĩa là viết từ góc độ người đọc, đắm chìm vào một thế giới huyền hoặc, để rồi bước ra và đem những khói sương ảo mộng còn vương vấn quanh mình dệt thành vài dòng tản mạn.

Một câu chuyện hay, cũng như một thứ rượu ngon, luôn có một cái aftertaste thật là dai dẳng.

Thương Nguyệt, chính là một thứ rượu ngon như thế. Sau Tiêu Thập Nhất Lang, người khiến tôi có được cái cảm giác bùi ngùi ngây ngất khi trang sách cuối cùng khép lại ấy, có lẽ chỉ có một mình nàng. Nàng không có cái kiến văn quảng bác như Kim Dung, cũng không có cái phong trần trải nghiệm của Cổ Long, nàng chẳng qua chỉ là một cô con gái hai mươi mấy tuổi đầu, đem tâm huyết trong lòng trút cả ra đầu ngọn bút thế thôi.

Nhân lúc thư nhàn, tôi duyệt lại Mặc Hương ngoại truyệnThính Tuyết lâu, rồi trầm ngâm tự hỏi: Cái cô con gái này, rốt cục tâm tư nàng ra làm sao nhỉ? Văn phong nàng rất đẹp, đẹp một cách buồn bã, đẹp một cách thảm liệt, đẹp một cách kinh diễm. Dưới ngòi bút của nàng, nhân tính bất luận là yêu hay hận, đều mỹ lệ tới mức cơ hồ không thực; nhân vật cho dù là nam hay nữ, đều siêu nhiên đến độ tưởng như đã vượt ra ngoài nhân giới, nhưng vẫn còn đó cái nội tâm cực cùng yếu đuối của con người. Câu chuyện của nàng, bởi thế cũng đã thành ra một thứ thần thoại, ôn nhu mà bi tráng.

***

Tôi biết nhiều người thấy truyện nàng viết thê lương và u ám. Cũng phải thôi. Khi đã quen với những cái kết có hậu kiểu Kim Dung thì cái bi kịch ở Thính Tuyết lâu không khỏi khiến người ta rùng mình thảng thốt. Nhưng đằng sau những sắc màu ảm đạm ấy lại ẩn chứa một niềm tin mãnh liệt vào con người.

Tác phẩm của nàng là một khúc tụng ca về sự trong sáng của thiên lương. Thiên lương với nàng là tình bằng hữu ngang tàng mà khẳng khái của Mặc Hương, là tình huynh đệ âm thầm mà tha thiết của Cao Thư Dạ. Là tấm lòng hướng thiện của gã tiểu tử Liên Thành, là trái tim vô tà của cô thiếu nữ Giang Thiên Mi. Là cái nồng nàn của Tử Mạch, là sự cố chấp của Hoàng Tuyền. Là Trịch trục hoa trong cõi lòng Bích Lạc, là Tử trúc điệu trong ký ức Hồng Trần…

Chỉ đáng hận là, điều đó chẳng phải ai cũng nhìn ra được.

Không phải ngẫu nhiên mà trong vô số loài hoa xuất hiện dưới ngòi bút của nàng –tường vi màu máu, bạch cúc màu xương, diên vĩ màu của ghen tuông và oán hận – lại có hai đóa hoa vĩnh viễn bảo tồn được màu sắc đích thực của mình. Mộng huyền hoa của Cô Quang. Sa Mạn Hoa của Cao Thư Dạ.

Mười mấy năm luân lạc giang hồ, không ngờ chẳng thể vấy bẩn nội tâm của cô con gái có tên là Nhược Thủy. Đóa Mộng huyền hoa Cô Quang dùng ảo lực trồng vào tim nàng, không ngờ vẫn nở ra một màu trắng thiên chân. Sự thuần khiết của nàng, không ngờ lại có sức mạnh gột rửa đi bao nhiêu tà ác, đố kỵ và tham vọng trong lòng y.

Mười mấy năm lặn ngụp giữa Tu La trường, trải bao mưu đồ và bội phản mà nàng là nạn nhân, đóa Mạn châu sa hoa trên đỉnh Kỳ Liên năm nào vẫn đỏ rực một sắc màu nồng nhiệt của yêu thương. Nàng không tin Minh tôn, chẳng kính Nguyệt thần, nàng chỉ biết có yêu thương, chỉ biết hết mình với yêu thương. Kim châm phong tỏa được ký ức, nhưng không phong tỏa nổi trái tim nàng. Với nàng, yêu thương đã là tự nhiên, đã thành thiên tính.

***

Tiêu Ức Tình. Thư Tĩnh Dung. Đôi nhân trung long phụng ấy, rốt cục đều đã chết. Tịch Ảnh Huyết Vi gầm mây thét gió năm nào, rốt cục cũng lặng lẽ nằm lại trong Thần binh các. Cảm xúc của tôi khi đọc xong Thính Tuyết lâu, cũng như câu thơ vịnh hoa tường vi của Tử Mạch ngày xưa. Kinh thời vị giá khước, tâm tư loạn tung hoành.

Đợi đến khi tâm tư chìm lắng lại rồi, tôi mới nhận ra rằng, kỳ thực, họ sống hay chết, điều đó chẳng hề quan trọng. Hệ liệt này giống như một đóa hoa: mỗi câu chuyện là một cánh hoa, ôm lấy đài hoa là tòa bạch lâu nghe tuyết ấy. Mỗi cánh hoa mang một sắc màu riêng, khiến đóa hoa kia thoạt nhìn thật là rực rỡ. Nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, ta sẽ biết rằng nó có duy nhất một mùi hương. Mùi hương ấy, chẳng phải ái tình, mà là lòng dũng cảm đương đầu với vận mệnh. Huyết Vi, bởi thế cho nên, đã không kết thúc ở cái chết của đôi tình lữ, mà ở cảnh cô bé tàn tật ngồi trên cỗ xe lăn, âm thầm rời bỏ Thính Tuyết lâu đi tìm hạnh phúc.

Mỗi nhân vật của Thương Nguyệt đều có trong mình cái dũng khí phi thường ấy. Cuộc cờ với vận mệnh, có ai là chắc thắng? Nhưng những con người đó, họ luôn sẵn sàng xả láng một bàn, luôn sẵn sàng tận tâm kiệt lực. Một cô bé chín tuổi ôm thanh Huyết Vi đơn thân dấn bước giang hồ. Một gã thanh niên yếu đuối bệnh tật ôm mộng làm võ lâm chi chủ. Một Mặc Hương vì đeo đuổi bá đồ mà tàn hủy bản thân. Một Cao Thư Dạ vì tìm kiếm tình yêu mà kiên cường tranh đấu. Một Trì Tiểu Đài bội phản sư huynh vì “nếu không thể được y yêu thương thì cũng được y giết chết.” Và cuối cùng là một Già Nhược, hy sinh thân mình để ma độ chúng sinh.

Nói đã nhiều, cũng nên dừng lại ở đây. Tôi trích lại đôi dòng trong Đại mạc hoang nhan. Một cô con gái viết nổi những dòng này, quả thực đáng để người ta trân trọng.

“Sa Mạn Hoa là mộng tưởng của y, quyền thế đế đô là bá đồ của Mặc Hương. Có lẽ trong cả đời người, cái để truy đuổi là mộng tưởng và bá đồ. Nhưng bên trên đó, thực ra còn có những thứ khác, tỷ như huynh đệ và cố thổ. Đó là gánh nặng vĩnh viễn khó buông xuống trong đời y. Có lúc, con người khơi khơi chỉ vì gánh nặng như vậy mà cực lực bôn tẩu.”

Melbourne, 4 tháng Tư năm 2008