Skip navigation

Tag Archives: movies

Ở Melb gần một năm nay, tôi rất thường dậy muộn. Sớm cũng phải chín giờ, bình thường thì mười giờ; có khi một hai giờ chiều vẫn còn chưa tỉnh hẳn. Ngủ cho đã đời, ấy là một chuyện khoái ý vô cùng, mà hình như trừ cái thời đi học (chiều) ra, chẳng mấy khi con người ta có được.

Có điều với tôi thế vẫn là chưa đủ. Dù căn phòng của tôi chẳng giống con thuyền hoa của Ngư Huyền Cơ ngày xưa là mấy tí, nhưng cái uể oải lười biếng của hai chúng tôi, tưởng khác đời mà lại chung một dạ. Vừa ngủ dậy đã thấy thòm thèm. Thèm xem phim. Như Huệ Lan năm nào xuôi dòng mơ hóa bướm. Họa khả xuân miên triêu vị túc, mộng vi hồ điệp dã tầm hoa. Cái entry này, chính ra nên viết ngay hôm xem The Diving Bell and the Butterfly về mới phải.

Có người hỏi tôi, anh hay đi xem rạp một mình lắm hả? A surprise it is, to that person. Tuần hai lần. Ba lần. Lắm khi hơn. All alone, none with company. Từ hồi sang đây, mỗi lần nghĩ đến xem phim, trong đầu chỉ có hai câu hỏi. When and which one. Never yes or no. Never with whom.

Melb hôm nay rét buốt da, mây nhiều mà nắng ít, làm tôi hồi tưởng những ngày mới đến. Ở một mình, nói cho cùng, thì ra là rất dễ. Sống một mình, mới thực sự là chuyện khó. Living alone is easy. Living your life alone, is not.

Xem phim cũng vậy thôi. Not an easy thing to do alone. Just can’t help myself doing that, again and again. Cái lần David Stratton đến nói chuyện ở Nova, tôi ngồi cạnh một bà cụ bảy mươi. We had a little chat. Thôi thì đủ thứ trên trời dưới biển. Về Toni Collette mà tôi thấy xứng đáng đại diện cho điện ảnh Úc. Về Fargo mà cụ đánh giá là “the best of Coens”. Cái hôm xem Gone baby gone, cả rạp ra về chỉ còn một đôi vợ chồng già và tôi là ở lại, ngồi cho hết những dòng credit cuối cùng để, như ông lão nói, “show respect to the makers of such a fine movie.” Và hôm nay, The Edge of Heaven. Khi Nejat nói “He said he would even make God his enemy, just to protect me,” cũng là lúc tôi cảm thấy người phụ nữ ngồi cạnh mình đang khóc. I have company.

Thẻ hội viên Nova của tôi hai tháng nữa là hết hạn. 13$ for single. 25$ for double. Giá như cụ bà bảy mươi sành điệu nọ lại là một cô bé mười bảy có đôi mắt lúng liếng thì hay quá. Chỉ hận là không phải. Đời chẳng phải lúc nào cũng hoàn mỹ. I’ll renew it, anyway.

Hai tuần nay tôi không ra Nova. Không phải vì tôi lười. Cũng không phải vì tôi đã chán xem phim. Chẳng qua vì ở nhà đã có con máy chiếu khuân ở Sydney về. BenQ MP510, ở khoảng cách 4m sẽ cho hình ảnh tương đương màn hình 100″. Đợt này ở Nova cũng chưa có mấy phim mới, mà tình cờ trong đống đĩa tôi mang từ Việt Nam sang lại có vài phim đang now-showing ngoài đó – The Science of Sleep, Paris Je t’aime. Sang tuần chắc tôi sẽ đi xem Romulus My Father, có Hector of Troy – Eric Bana. Roxbourgh cả đời đóng vai villain, để xem lần này làm đạo diễn thế nào.

Vậy là tôi tự cho phép mình ngồi lọt thỏm trong cái salon ấm áp, một mình hưởng thụ sự sung sướng xa xỉ ấy. Xem phim một mình có cái khoái tỉ riêng, dĩ nhiên rồi. Nhưng xem ở Nova lại có một cảm giác khác, bùi ngùi và lạc lõng. Sự lạc lõng không đến từ một sự thật là tôi-nói-tiếng-Việt còn họ-nói-tiếng-Anh. Đó là sự lạc lõng đến từ tuổi tác. Like a lost and lonesome weeping willow. Lost in the wood (Kent again – cười). Tôi hay xem ở Nova vào ca chiều, nghĩa là tầm 3 đến 6 giờ. Cũng dễ hiểu khi vào giờ ấy thì rạp vắng. Vắng, nhưng cũng lấp đầy già nửa phòng chiếu. Phần lớn là những mái đầu hoa râm, muối tiêu, có khi là bạc trắng. Hiếm khi thấy có người nào trẻ, neither local nor foreign.

Tôi biết trong khi khán giả của Nova đa phần là lớn tuổi, thì đám thanh thiếu niên đang tụ tập ở Hoytz, háo hức chờ đợi Harry Potter, Pirates III hay Fantastic Four II. Cũng dễ hiểu. Tôi cũng đã từng chờ như thế. Nhưng tôi lại nghĩ về một điều khác. Thế còn Việt Nam thì sao?

Đôi khi, tôi có cảm giác đối với nhiều người Việt, sự già đi về tuổi tác đồng nghĩa với sự chấm dứt của đời sống tinh thần. Ba mươi tuổi, sau mười mấy năm học hành và năm bảy năm phấn đấu, con người ta có một gia đình, vài đứa con, nếu may mắn thì sẽ thêm tiền bạc và sự nghiệp. Cuộc sống trở thành một tấm vé khứ hồi giữa nhà và công sở, thi thoảng có một cái terminal là kỳ nghỉ mát của cơ quan, bữa ăn nhậu cùng đồng nghiệp. Bao nhiêu người trong số họ đã và sẽ từ bỏ những điều họ đam mê thời còn trai trẻ? Tôi biết nhiều người không hề có đam mê dù đã về già hay đang còn trẻ. Nhưng rất nhiều người đã có. Họ đọc sách, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, xem phim, nghe nhạc. Hay chỉ là tỉ mẩn ngồi gấp những con hạc giấy, tết những chiếc vòng tay.

Và rồi họ từ bỏ những điều tưởng chừng đã trở thành một phần trong con người họ. Gánh nặng gia đình, gạo tiền cơm áo, that’s what they say. Nhưng khi tôi ngồi trong phòng chiếu của Nova, nhìn hai mái đầu ba mươi năm trước hẳn vẫn còn xanh đang kề nhau thủ thỉ, khi bộ phim vừa kết thúc trong tràng pháo tay điềm đạm của mọi người – điều tôi đã gặp không chỉ một lần – tôi bỗng nhận ra rằng không phải. Nếu như hai mái đầu ấy nhắc tôi nhớ đến Tình già của Phan Khôi, thì sự hiện diện của họ ở nơi này làm tôi nghĩ đến một thứ tình yêu khác, một thứ tình yêu không già đi theo năm tháng. Đấy là tình yêu cái Đẹp.

Dường như đó là điều người Việt Nam đang thiếu. Cái tình ấy không già đi, nó đã chết đi trong lòng họ. Từ ngày có Megastar, người Hà Nội đi xem phim nhiều hơn. Nhưng đa số vẫn là thanh niên. Cỡ như tôi đã có thể gọi là già trong đám ấy. Đã có nhiều hơn những người lớn tuổi, nhưng họ không đi một mình và cũng không xem những bộ phim dành cho người lớn. Họ ngồi cùng con cái, xem những bộ phim thiếu nhi, coi như hoàn thành nghĩa vụ với gia đình vào một ngày Chủ Nhật, chỉ thế mà thôi. Có lẽ nào đó chỉ là thứ tình yêu dành cho những người trẻ tuổi?

Và, vẫn như Kent của tôi thường hát. What the world needs now, is love, sweet love. No not just for some, but for everyone.

Tôi sang Melb đã được năm tuần. Sáu lần đi xem rạp. Kể ra như thế cũng là nhiều, so với người bản địa chứ đừng nói so với sinh viên nước ngoài du học ở đây. Lần đầu tiên tôi xem ở Hoytz, cho đến giờ này cũng là lần duy nhất. Hoytz giống như Megastar ở nhà, một chuỗi những cụm rạp liên hoàn trải khắp nước Úc. Hoytz có một kiểu phòng chiếu khá độc đáo là HalfPipe. Trong phòng chiếu không có ghế, chỉ có king-sized bean bags cho các đôi uyên ương nằm xem phim và làm nhiều điều khác nữa. That sounds like fun. Hoytz còn có hai rạp cao cấp nữa, gọi là Directors’ Suite mà chắc tôi sẽ thử trong một ngày không xa.

Hoytz chỉ là chuyện phụ. Cinema Nova mới là chuyện chính. Giống như cái tên, Nova là một điểm sáng, sáng đến bất thường giữa vô vàn rạp chiếu bóng ở Melb. Ở đây hầu như không chiếu block-buster, trừ những phim dành cho thiếu nhi như Harry Potter hay Bridge to Terabithia. Theo tôn chỉ của mình, “home of quality arthouse cinema”, Nova chiếu chủ yếu là phim nghệ thuật, phim indie, phim của những nền điện ảnh khác ngoài Hollywood. Trong bốn phim tôi xem ở Nova, có một phim Đức, một phim Pháp, một phim Nga và một phim Mỹ. Và hôm nay là một phim Hà Lan mà tôi chờ đợi đã lâu – Black book của Paul Verhoeven, với Carice van Houten hot as hell mà có nhà phê bình đã ca ngợi là “more beautiful than Scarlett Johansson and knows how to act”.

Nova có 11 phòng chiếu, đa phần đều thuộc loại nhỏ và vừa, chỉ ngang ngửa Hà Nội Cinematheque, nhưng ghế ngồi rất thoải mái, thiết kế trang nhã và ấm cúng. Một buổi chiều Chủ Nhật, thả bộ dọc đường Glenlyon, nhìn bóng nắng đổ dưới chân mình, leo lên chuyến tàu điện vắng hoe xuôi xuống Lygon Court. Chìa thẻ sinh viên và thẻ privilege member để được mua vé giảm gần nửa giá. Trong khi chờ đợi, rẽ vào Border xem sách hoặc vòng ra ngoài uống cà phê. Xem xong, rẽ vào một quán Ý nào đó trên đường Lygon ăn bữa tối thật ngon lành rồi mới trở về nhà. Life it is.

K, that is my agenda. This is my feelings. Nhớ lần đầu vào Nova, tôi xem The Lives of Others. Rời khỏi rạp, trong lúc đầu óc vẫn còn ám ảnh với bản Sonata for a good man, bên tai tôi bỗng vang lên một giọng nữ cao. Một em gái mặc váy dài, khuôn mặt hơi du mục, hát một bài thánh ca nào đó. Tôi bỏ vào giỏ cho em một đồng 1$. Hôm qua khi xem xong The Italian, tôi lại nghe tiếng nhạc. Lần này là một ông già kéo violon. Tôi cũng cho ông lão tiền. Chẳng phải tôi xa lạ gì những người hát rong vốn rất phổ biến ở đây. Chẳng phải tôi giàu có gì. Chẳng phải tôi dễ mủi lòng (mà nói cho cùng, điều họ cần, và điều ta phải dành cho họ là appreciation chứ không phải sympathy). Chẳng phải…

Một bộ phim hay thường đem lại cho ta thứ hương vị ngất ngây về cái đẹp của cuộc đời, thôi thúc ta làm một điều gì đó, giản đơn chỉ để thỏa mãn cái cảm giác được tồn tại một cách hạnh phúc thế thôi. Chính cảm giác ấy đã thôi thúc ta đặt miếng ghép cuối cùng xuống bức-xếp-hình-tuyệt-đẹp-của-hôm-nay, một phần không nhỏ được cấu thành bởi một trăm bốn mươi hai phút mà ta vừa tận hưởng.